Tối 26.6, tại Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024 và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam, gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú Việt Nam tại Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ, động viên cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện, cơ quan thường trú Việt Nam tại Trung Quốc
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã báo cáo về hoạt động của Đại sứ quán trong thời gian qua, nhất là thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, ngoại giao kinh tế, thương mại, quảng bá hình ảnh đất nước, công tác cộng đồng và bảo hộ công dân, công tác nghiên cứu, tham mưu…
Đại sứ cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lần tới thăm Đại sứ quán cách đây một năm, các cán bộ của Đại sứ quán đã nỗ lực giải quyết công việc của bà con như công việc của chính nhà mình.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng thăm lại Đại sứ quán và gặp gỡ bà con kiều bào trong chuyến công tác thứ 3 tới Trung Quốc trong một năm qua với kết quả chuyến sau tốt hơn chuyến trước, ghi nhận đại sứ quán cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hơn trong một năm qua, đóng góp vào kết quả các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, với những thành tựu phát triển to lớn mà Trung Quốc đã đạt được thời gian qua, vị trí và vai trò quan trọng trên trường quốc tế của Trung Quốc hiện nay, cũng như với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, nhiệm vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc là rất vinh dự, tự hào và đi cùng trách nhiệm rất cao.
Thủ tướng cũng cho biết, trong chuyến làm việc lần này, ngoài tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị WEF Đại Liên, Thủ tướng đã có các cuộc hội kiến, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thân tình với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc
Hai bên đã cùng nhìn lại những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua, nhất là sau các chuyến thăm mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc (tháng 10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam (tháng 12/2023); nhất trí tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo phương hướng "6 hơn".
Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương hai nước đi sâu quán triệt, thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung của hai đồng chí Tổng Bí thư, thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược phát triển ngày càng thực chất, hiệu quả, bền vững hơn.
Nhờ đó, quan hệ hai nước đã đạt những kết quả tốt đẹp, toàn diện. Tin cậy chính trị được củng cố; nhiều cơ chế hợp tác mới trong các lĩnh vực quan trọng được thiết lập; kết nối chiến lược, nhất là kết nối giao thông được đẩy nhanh; hợp tác thương mại tăng trưởng khởi sắc; đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh; du lịch phục hồi mạnh mẽ; hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân diễn ra sôi động...
Thủ tướng chỉ rõ, thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ quan cần tiếp tục cụ thể hóa, triển khai thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, liên tục rà soát lại các công việc, tổ chức thực hiện thật tốt với tư duy đổi mới, biện pháp sáng tạo, tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả", triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, tránh dàn trải, kéo dài, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Các bộ ngành, địa phương và Đại sứ quán phải chủ động, tích cực phối hợp, triển khai các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tiếp tục nỗ lực thúc đẩy, đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, bền vững.
Trước mắt, cần thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, nhất là mở rộng các danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh và thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, như nông sản, hoa quả; thúc đẩy kết nối giao thông, trong đó có 3 tuyến đường sắt với Trung Quốc (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng) và hợp tác trên các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng, kinh tế số, chuyển đổi số...
Thông báo với bà con kiều bào về các hoạt động, kết quả của Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị WEF Đại Liên và những nét lớn về tình hình đất nước thời gian qua, Thủ tướng biểu dương và mong muốn tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, đặc biệt là triển khai hiệu quả các nhiệm vụ chính trị đối ngoại, ngoại giao kinh tế, văn hóa, công tác lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.